Kể Chuyện và Ý Tưởng: KHẮC HUY
Thiết Kế: HỌA SĨ LINH RAB, SAM SAU, NGUYỆT ÁNH
Điều Phối: NGỌC HUYỀN – TRÀ GIANG
Chuyển Thể Thiết Kế Trên Gốm và Sản Xuất: XƯỞNG GỐM THỦ BIÊN | VƯỜN NHÀ GỐM
Kể Chuyện và Ý Tưởng: KHẮC HUY
Thiết Kế: HỌA SĨ LINH RAB, SAM SAU, NGUYỆT ÁNH
Điều Phối: NGỌC HUYỀN – TRÀ GIANG
Chuyển Thể Thiết Kế Trên Gốm và Sản Xuất: XƯỞNG GỐM THỦ BIÊN | VƯỜN NHÀ GỐM
Vùng đất này xưa là rừng rậm, có nhiều thú rừng. Cuối thế kỷ XVIII, sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Đô đốc trấn của nhà Tây Sơn huy động dân đào kinh Bà Bèo và tạo điều kiện cho dân đến khai hoang lập nghiệp. Làng Mỹ Điền (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (*)) ra đời sau đó vài năm.
Từ lúc thành lập, làng Mỹ Điền có tục chỉ cử đến chức Trùm chủ (Hương chủ). Còn chức Trùm cả (Hương cả) thì nhường cho “chúa sơn lâm”, tục gọi là ông “Cả Cọp”. Chưa ai bạo gan lãnh chức vụ tối cao đó, vì nếu ai lãnh chức đó thì trước sau gì cũng bị cọp vồ chết. Dân làng Mỹ Điền có lập ngôi miếu thờ ông Cả làng mình. Đầu mỗi nhiệm kỳ, hương chức phải làm lễ dâng lên ông một tờ cử hương chức. Mỗi lệ Kỳ yên phải kiếng ông một bộ “thủ vĩ”. Cuối nhiệm kỳ, ông đến trả tờ cử cũ và nhận tờ cử mới.
Một hôm, có một con cọp lạ về bắt gia súc, thậm chí cả những người đi lẻ tẻ. Dân làng kinh hoàng, tổ chức nhiều nhóm tráng đinh trang bị gậy gộc phòng vệ cẩn mật. Có người đến miếu ông Cả van vái cầu cứu. Đêm hôm đó, nhiều viên chức Mỹ Điền thấy một người tuổi trạc ngũ tuần, hình vóc phương phi lực lưỡng, mặc áo quần vằn vện về bảo phải chuẩn bị thêm giáo mác để phụ với “cả” đánh con ác thú nọ. Người ấy còn dặn kỹ nếu hai bên đánh nhau, hễ ai hay cúi đầu là “Cả”, không được xúc phạm.
Hôm sau, con cọp dữ nọ lại về. Dân làng hay tin nổi mõ bảo động inh ỏi. Con cọp hoảng hồn chưa biết chạy đường nào, thì có một con cọp khác chạy ra chặn đường. Chúng dẫn ra bãi đất trống tranh đấu. Hai bên giống nhau, dân làng không thể phân biệt được. Nhưng có một con cọp đặc biệt hay cúi đầu. Dân làng nhớ lời thần nhân báo mộng, dụ đẩy con cọp kia sa hầm, đâm chết.
Về sau không biết ông Cả cọp Mỹ Điền già rũ hay về núi tu hành. Vắng một thời gian, đến khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở hương thôn, có người dám nhận chức Hương cả. Tuy tục lệ có thay đổi nhưng dân làng vẫn nhớ ơn ông Cả cọp. Họ vẫn bảo vệ ngôi miếu và hang năm vẫn cúng kiếng ông Cả theo lệ cũ.
(Trương Ngọc Tường sưu tầm)
Trích từ Tổng Tập Văn Học Dân Gian Nam Bộ, Quyển 1, Tập 2, trang 66 (Huỳnh Ngọc Trảng-Phạm Thiếu Hương biên soạn, NXB Văn Hóa Văn Nghệ)
————–
(*) Làng Mỹ Điền: Theo một khảo cứu của Hoàng Phương-Ngọc Phan: Hiện nay địa danh Mỹ Điền không còn, nhưng căn cứ vào địa bạ Minh Mạng năm 1836 thì thôn Mỹ Điền có thể là khu vực xã Mỹ Phước và một phần TT.Mỹ Phước (H.Tân Phước) hiện nay. Theo tài liệu lịch sử địa phương, các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước và TT.Mỹ Phước ngày nay hầu hết thuộc địa phận xã Hưng Thạnh Mỹ cũ. Thời Pháp thuộc có làng Phước An ở phía nam Bà Bèo. Năm 1913, làng Phước An hợp với làng Mỹ Điền thành Mỹ Phước. Đến năm 1925, chính quyền thực dân Pháp lại nhập làng Hưng Thạnh và Mỹ Phước thành xã Hưng Thạnh Mỹ (quận Châu Thành). Làng Mỹ Điền mất dấu từ đó. Từ năm 1994 đến nay, khu vực này thuộc xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Trong bộ Thần Thú Nam Bộ, Ông Cả Cọp được tạo hình trong tư thế chuẩn bị về miếu đầu làng để ăn lễ cúng của dân làng và nhận tờ cử mới.
Xin xem và đặt trước tại link: https://bit.ly/3LWi0Z1
Môtip Ông Cả Cọp là một môtip phổ biến ở một số truyện kể tồn tại từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ. Truyện tồn tại như một thần tích cắt nghĩa tập tục tôn cọp làm chức Hương Cả và lệ cấm kỵ không bầu cử bất cứ một người nào trong thôn làng nắm giữ chức vụ này. Theo đó, hàng năm (vào dịp cuối năm hay trước ngày tổ chức lễ Kỳ Yên đình làng), dân chúng tổ chức lễ Bầu Ông: bày một cái đầu heo và kèm theo một “tờ cử” (nội dung: cả làng cử cọp làm chức Hương Cả với nhiệm kỳ một năm) đặt trong một cái ống tre ở một địa điểm cố định náo đó. Tục truyền đêm ấy, cọp về ăn sạch cái đầu heo và đổi “tờ cử” cũ và nhận “tờ cử” mới đem vào rừng. Theo sự xác tín của dân chúng là nếu thôn làng có người nào cả gan đứng ra làm chức Hương Cả thì sẽ bị cọp vồ chết ngay.
Nếu từ buổi đầu khai hoang, sự tương quan giữa con người và tự nhiên, nói riêng ở đây là giữa người và cọp, còn chưa nghiêng hẳn về bên nào nên những lưu dân tiền phong một mặt sợ cọp và mặt khác là phải diệt cọp để làm chủ cuộc sống ở vùng đất mới, vì “rừng nào cọp nấy” làm chủ. Tình trạng phức tạp trong tâm thức của họ có tính chất bi kịch là do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và việc chưa đủ khả năng thực tế để thỏa mãn những đòi hỏi ấy. Cụ thể là do sợ cọp mà họ lập miếu thờ “Sơn quân chi thần”, thờ “Chúa xứ sơn lâm”, thờ “Thần Hổ” và bầu cọp làm Hương Cả của thôn làng. Do vậy, môtip “Ông Cả Cọp” là một mẫu đề dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng “lề luật giang hồ”: tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng tôi biết điều là “rừng nào cọp nấy” nên không dám “xưng hùng xưng bá”. Tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm Cả, làm chủ và chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi. Đó là tâm thức của lớp lưu dân đến vùng đất hoang vu đến nỗi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”…
(Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện kể về cọp ở Nam bộ, Kiến thức ngày nay số ra ngày 01.01.1998).