Kể Chuyện và Ý Tưởng: KHẮC HUY
Thiết Kế: HỌA SĨ LINH RAB, SAM SAU, NGUYỆT ÁNH
Điều Phối: NGỌC HUYỀN – TRÀ GIANG
Chuyển Thể Thiết Kế Trên Gốm và Sản Xuất: XƯỞNG GỐM THỦ BIÊN | VƯỜN NHÀ GỐM
Kể Chuyện và Ý Tưởng: KHẮC HUY
Thiết Kế: HỌA SĨ LINH RAB, SAM SAU, NGUYỆT ÁNH
Điều Phối: NGỌC HUYỀN – TRÀ GIANG
Chuyển Thể Thiết Kế Trên Gốm và Sản Xuất: XƯỞNG GỐM THỦ BIÊN | VƯỜN NHÀ GỐM
Trích đăng: Truyện Ông Đình Tây và con sấu “Năm Chèo”, trong Tổng Tập Văn Học Dân Gian Nam Bộ, Quyển 1, Tập 2, trang 220 (Huỳnh Ngọc Trảng-Phạm Thiếu Hương biên soạn, NXB Văn Hóa Văn Nghệ).
—————————-
Ông Đình Tây tên là Bùi Văn Tây, anh em chú bác với ông Tăng Chủ. Ông có hai đời vợ. Vợ trước sinh được một con trai ở Năng Gù. Vợ sau sinh được ba gái, tất cả đều ở làng Thới Sơn (nay thuôc Tịnh Biên, An Giang).
Ông Đình Tây là một đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Ông có tài trị bệnh bằng cách dùng miếng sành cắt lễ. Bằng cách này, ông trị được bá bệnh và số người đến nhờ ông trị bệnh đông đến nỗi trước nhà ông hồi đó có một đống sành có đến 40-50 giạ.
Tục truyền, một hôm ông có việc phải xuống Láng, gặp lúc vợ tên Xinh chuyển dạ đẻ mà không có chồng ở nhà. Thấy vậy, ông lo việc sắp đặt giường chiếu và rước mụ giúp. Khi tên Xinh đi bắt rắn, bắt cua ngoài đồng về, nghe tỏ tự sự, hết sức cảm động, cảm ơn rối rít. Ông Đình Tây thấy trong giỏ tên Xinh có một con sấu con mũi đỏ và có đến năm chèo (năm chân) thì rất thích bèn nài nỉ mua. Xinh nỡ lòng nào lại lấy tiền của ân nhân nên tặng ngay con cá sấu kỳ lạ đó cho Đình Tây.
Đình Tây mang cá sấu về khoe với Thầy. Đức Phật Thầy Tây An biết đó là sấu ác nên bảo Đình Tây đem giết để trừ hậu hoạn. Đã không nghe lời thầy, Đình Tây lại lén nuôi con sấu ấy. Được ba năm, con sấu đã lớn bộn, một hôm bỏ đi mất biệt. Không dám giấu giếm, ông bèn đem việc ấy thưa lại với Đức Phật Thầy. Đức Phật Thầy thở dài, chắc lưỡi bảo sau này con vật quái ác này sẽ hại chúng dân biết bao nhiêu mà kể. Thế rồi, Đức Phật Thầy định tâm tìm cách trừ con sấu ấy. Thầy cho rèn một lưỡi câu, một lưỡi mun, hai cây lao và đánh một sợi dây đem trao cho Đình Tây cất giữ để sau này trừ con “nghiệt súc”.
Lưỡi câu và lưỡi mun đều rèn bằng sắt, phía đầu có chừa lỗ để tra cán. Còn hai cây lao lưỡi nhọn dài chừng năm tấc cắm vào cán khoảng hai thước. Còn sợi dây bằng mút dũa dài đến 16 thước.
Rõ ràng là những thứ ấy cũng không có gì đặt biệt lắm., nhưng được người đời sau coi là bửu bối có phép thiêng. Tục truyền, có lần nhà ông Đình Tây bị phát hỏa cháy rụi, nhưng sợi dây không hề hấn gì!
Có dạo, ông Đình Tây dùng những món bửu bối ấy để bắt sấu năm chèo. Nhưng con vật tinh khôn ấy biết được vội biến mất.
Lại có lần, gặp mùa nước lên, sấu năm chèo trườn lên vùng Láng Linh phá xóm, phá làng. Dân chúng vội đi gọi Đình Tây đến bắt. Ông vừa đến thì sấu cũng lại biến mất. Ông lưu lại trót một tuần để trông chừng con nghiệt súc ấy, nhưng nó không xuất hiện nữa. Thế nhưng, khi ông vừa ôm nóp, mang gói ra về thì sấu ấy lại lừng lên phá hại xóm làng như trước. Ba lần cút bắt như vậy mà hai “đối thủ” không gặp được nhau. Đến lần chót, ông Đình Tây nán lại mười ngày mà vẫn không gặp được con sấu ấy. Cuối cùng ông Đình Tây nguyền rằng: “Nếu phần số của mi phải lọt vào tay ta thì hôm nay mi cũng nên tuân theo số trời đã định để cho ta làm tròn phận sự đã được giao phó. Còn như mi chưa tới số thì mi đừng trở lại phá quấy dân chúng nữa”.
Truyện kể rằng: Từ đó về sau không ai thấy con sấu năm chèo nữa. Người đời đoán già đoán non rằng con sấu ấy ẩn chỗ này, nấp chỗ nọ; nhưng thật ra chẳng ai tận mắt thấy tăm hơi gì của nó!Ông Đình Tây thọ 88 tuổi, mất năm 1890. Người đời truyền rằng: Trước khi nhắm mắt, ông đã giao các thứ bửu bối dùng để trừ sấu năm chèo cho cô con gái Út cất giữ để phòng khi “Ông Năm Chèo”, tức con sấu năm giò ấy, xuất hiện thì có thứ mà trừ.
TT&HLH
Trong bộ Thần Thú Nam Bộ, Ông Năm Chèo có năm chân. Trong đó, một chân bị xích với bối cảnh xung quanh là rễ đước, kèm với bốn bửu bối mà ông Đình Tây truyền lại: lưỡi câu, lưỡi mun và hai cây lao.
Xin xem và đặt trước tại link: https://bit.ly/3LWi0Z1
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (còn được gọi là đạo Lành) được ngài Đoàn Minh Huyên khai sáng vào năm 1849. Ngài Đoàn Minh Huyên (1807-1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở làng Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Sau này, khi ngài đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) thì được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.
Phật Thầy đã sử dụng 4 chữ khoán thủ trong bài thơ “Tứ Bửu Linh Tự” để đặt tên cho tôn giáo của mình. Bài thơ “Tứ Bửu Linh Tự” đọc theo chiều dọc và chiều ngang đều có ý nghĩa là để ghi dấu chỗ phát tích của tôn giáo do ngài sáng lập và báo tin một chuyển biến lớn trong đời sống của dân tộc Việt Nam.
Chữ Bửu Sơn Kỳ Hương có thể được hiểu là Núi Báu (núi Cấm, An Giang) tỏa hương thơm đặc biệt, sau này sẽ làm rạng danh nước Việt Nam, tiếng thơm lạ vươn ra ngoài cõi biên thùy, báo tin một nguồn ân thánh triết ra đời tạo lập một kỷ nguyên mới,cõi đời Thượng ngươn lạc.
Đình Tây tên Bùi Văn Tây (1826 – 1914), một trong những cao đồ của Phật Thầy Tây An, là một trong số ít người có công khai phá sơn lâm, lập nên hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn (sau này hợp thành phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), và là người gắn liền với truyền thuyết về một con sấu năm chân có tên Ông Năm Chèo.